Đế Chế Đại Việt

Chương 926: Chiến dịch Sấm Rền

Chương 926: Chiến dịch Sấm Rền

Địa hình trong nội địa của Tây Gốt tương đối phức tạp. Đó là sự xen kẽ giữa các bình nguyên nhỏ và những rặng núi cao, tạo ra những thung lũng lớn, cây cối mọc khá tươi tốt. Dù rằng Tây Gốt cũng đã bắt đầu quá trình công nghiệp hoá, tuy vậy ở xứ biên cương này lại không bị ảnh hưởng quá lớn, chỉ là bởi vì có những mỏ khoáng sản thiết yếu nên tại đây luôn có những con mỏ lộ thiên rất lớn.

Bên trong một mỏ sắt đã bỏ hoang, trên các vách núi đều có những lối vào hầm mỏ rất lớn, xung quanh cây cối, đất đai đều bị đào bỏ đi. Nơi đây vốn là một mỏ sắt của Tây Gốt, tuy nhiên đã bị bỏ hoang suốt hai năm nay. Bây giờ nó đã trở thành nơi trú ngụ của hơn năm ngàn sư điểu còn lại của Tây Gốt.

Đúng vậy, sư điểu ưa thích ở những trong hang tối, chúng là loài vật khát máu, man rợ, lại sống theo bầy đàn. Các khu rừng nhiều cây cối không thể chứa được thân thể to lớn của bọn nó, vì vậy mà chúng thường tàn phá một khu vực núi, đào hang, sau đó liền sinh sống và đẻ trứng ở bên đó. Đặc điểm của sư điểu vượt trội so với Thiên mã chính là chúng sinh sản rất nhanh. Một cặp sư điểu cứ hai đến ba năm lại đản sinh một lần, một lần chúng sinh từ năm đến mười trứng, tuy nhiên chỉ có con khoẻ mạnh nhất là được sống sót, những anh em còn lại phải làm thức ăn cho con khoẻ mạnh nhất. Quá trình chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt như vậy tạo ra một quần thể sư điểu mạnh mẽ, nhưng số lượng không quá đông để có thể xảy ra việc cạnh tranh thức ăn.

Lúc này ở trong mỏ sắt sư điểu lần lượt trở về sau một đêm đi săn, chúng liền chui vào hang nghỉ ngơi. Còn các kỵ sĩ sư điểu lại nghỉ ngơi ở khu quân doanh nằm giữa lòng chảo. Bên trong có một khu doanh trại tương đối lớn, có thể chưa đến hơn vạn người. Bên cạnh khu doanh trại là khu giam giữ các nô lệ mà Tây Gốt dùng để làm thức ăn dự phòng cho sư điểu. Lũ sư điểu này nếu đói bụng sẽ nổi loạn lên.